Lâm sản ngoài gỗ – Cẩm nang ngành lâm nghiệp

5/5 - (10 bình chọn)

Khái niệm về lâm sản ngoài gỗ (LSNG)

Việt Nam nằm ở Đông-Nam lục địa Châu Á, có đường biên giới trên đất liền khoảng 3.700 km dọc theo các triền núi và châu thổ Mê Kông, có bờ biển dài 3.260 km. Phần lãnh thổ đất liền của Việt Nam trải dài từ 80°30’đến 230°24’ vĩ Bắc, mang tính chất của một bán đảo với điểm cực Bắc là chòm Lũng Cú thuộc cao nguyên Đồng Văn, điểm cực Nam là xóm Rạch Tàu thuộc tỉnh Cà Mau. Các đảo của Việt Nam trải dài từ Trường Sa đến Vịnh Bắc Bộ, với những hệ sinh thái dặc thù như Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Hạ Long, Bái Tử Long, v.v…Bắc Việt Nam, từ Đèo Hải Vân trở ra Bắc, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng rõ rệt của gió mùa Đông Nam Á: gió mùa đông bắc mang theo không khí lạnh từng đợt từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau và gió mùa đông nam đưa tới những đợt không khí nóng ẩm từ tháng 4 đến tháng 10. Từ Hải Vân trở vào Nam nhiệt độ quanh năm nóng với hai mùa nắng mưa, đặc trưng của khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên, ở cả hai miền đều có những dãy núi cao, hình thành những hệ sinh thái khác biệt vùng thấp cùng vĩ độ. Những đặc điểm khí hậu và địa hình đó đã
tạo nên một Việt Nam giầu tính đa dạng sinh vật. Hiện nay các nhà thực vật học đã thống kê được trên 12.000 loài cây, trong đó 7.000 loài đã được mô tả, 5.000 loài còn chưa được biết công dụng, phần lớn là các loài cây dưới tán rừng không cho gỗ. Trong số những loài đã biết có 113 loài cây cho chất thơm; 800 loài cho tannin; 93 loài chứa chất làm thuốc nhuộm; 458 loài có tinh dầu; 473 loài chứa dầu và 1863 loài cây dược liệu.

Việt Nam có khoảng 10% tổng số những loài thực vật được biết trên Thế giới. Có những loài động thực vật từ trước tới nay chưa được biết đến mới được phát hiện ở Trường Sơn. Chỉ trong các năm 1992-1998 đã phát hiện thêm nhiều loài thú mới ở Bắc Trường Sơn: Mang lớn, Sao la, Mang Trường sơn, Bò sừng xoắn Tây nguyên. Mới phát hiện thêm 50 loài cây thuốc quí, như Amomum longiligulara, Rauwolfia vomitoria, Tetrapanax papyrifera… Các nhà thực vật học đã xác định khoảng 40-50% thực vật rừng Việt Nam có nguồn gốc Ấn Độ, Malai, Indonesia, Trung hoa,… di cư đến. Sự phong phú về loài của thực vật rừng Việt Nam rất cao: nhiều họ có trên 100 loài, như Phong lan có 901 loài; Thầu dầu có 333 loài; Cà phê có 286 loài; Cánh bướm có 290 loài… Nhiều họ thực vật ôn đới cũng được thấy ở Việt Nam như Hồ Đào, Du, Liễu, Dẻ… Có tới 8 họ cây Lá kim với 18 chi, 39 loài, một số loài đặc hữu, một số loài hiếm như: Thông lá dẹt (Ducampopinus krempfi), Thông 5 lá (Pinus dalatensis), Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis), Thông đỏ (Taxus baccata).

1.1 Định nghĩa Lâm sản ngoài gỗ

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Việt nam lâm sản được phân chia thành hai
loại:

  • Lâm sản chính (principale richesse forestière) là những sản phẩm gỗ;
  • Sản phẩm phụ của rừng hay lâm sản phụ (produit secondaire de la forêt), bao gồm
    động vật và thực vật cho những sản phẩm ngoài gỗ.

Từ 1961, lâm sản phụ được coi trọng và được mang tên đặc sản rừng. “Đặc sản rừng bao gồm cả thực vật và động vật rừng là nguồn tài nguyên giầu có của đất nước. Nó có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, trong đời sống nhân dân, quốc phòng và xuất khẩu…” ( Bộ Lâm nghiệp – Kế hoạch phát triển Đặc sản rừng, 1981-1990). Theo định nghĩa đó Đặc sản rừng là một bộ phận của tài nguyên rừng nhưng chỉ tính đến những sản phẩm có công dụng hoặc giá trị đặc biệt và ngoài các loài thực vật dưới tán rừng còn bao gồm các loài cây cho gỗ đặc hữu hoặc được coi là đặc hữu của Việt Nam, như Pơ mu, Hoàng đàn, Kim giao… , như vậy thuật ngữ đặc sản cũng mang ý nghĩa kinh tế, vì không tính đến những sản phẩm không có hoặc chưa biết giá trị. Vì thế, danh mục những đặc sản rừng trong từng thời điểm cũng tập trung sự chú ý vào một số sản phẩm nhất định.

Ngày nay, trong Lâm nghiệp thuật ngữ lâm sản ngoài gỗ được dùng phổ biến, chính thức thay cho thuật ngữ lâm sản phụ (minor forest product/ secondary forest product). Định nghĩa của thuật ngữ này được thông qua trong hội nghị tư vấn lâm nghiệp Châu Á-Thái Bình Dương tại Băng Cốc, 5-8-1991: “Lâm sản ngoài gỗ (Non-wood forest product) bao gồm những sản phẩm tái tạo được ngoài gỗ, củi và than gỗ. Lâm sản ngoài gỗ được lấy từ rừng, đất rừng hoặc từ những cây thân gỗ”. Do đó, không được coi là LSNG những sản phẩm như cát, đá, nước, dịch vụ du lich sinh thái.

Theo định nghĩa này củi, than gỗ, cành ngọn, gốc cây không được coi là LSNG, không thỏa đáng đối với việc khai thác tận dụng phế liệu gỗ. Những dịch vụ trong rừng như săn bắn, giải trí, dưỡng bệnh trong rừng, du lịch sinh thái, v.v…là một phạm trù khác, không được xếp vào LSNG, nhưng trên quan điểm kinh tế cũng có nơi du lịch sinh thái cũng được coi như sản phẩm của rừng.

Hội nghị lâm nghiệp do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc triệu tập tháng 6 năm 1999 đã đưa ra và thông qua một khái niệm và định nghĩa khác về LSNG “Lâm sản ngoài gỗ (Non timber forest product) bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc sinh vật, khác gỗ, được khai thác từ rừng, đất có cây rừng (wooded lands) và cây ở ngoài rừng”. Thuật ngữ này phải dịch sang Tiếng Việt là “Lâm sản ngoài gỗ cây”, nhưng để đơn giản vẫn dùng thuật ngữ LSNG. Với định nghĩa này, LSNG bao gồm cả động vật, gỗ nhỏ và củi và rộng hơn so với định nghĩa trước. Trong tài liệu sách báo nước ngoài, hiện tại cả hai thuật ngữ NWFP và NTFP vẫn được dùng. Song có tác giả, để hạn chế đối tượng nghiên cứu, đánh giá giá trị kinh tế của LSNG, như Jenne H. De Beer thêm vào định nghĩa trên một mệnh đề, thành một định nghĩa khác như sau: “LSNG bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc sinh vật không phải gỗ được người ta khai thác từ rừng để sử dụng”. Có thể hiểu được rằng khái niệm hàm ý chỉ quan tâm đến sản phẩm được khai thác để dùng. Thuật ngữ “đặc sản rừng” còn hẹp hơn, và được hiểu là những cây, con LSNG có công dụng đặc biệt và đặc hữu của Việt Nam. Vì khái niệm
và định nghĩa LSNG có sự khác nhau như thế nên việc vận dụng vào thực tế cũng có sự khác
nhau.

1.2 Phân nhóm LSNG theo công dụng

Trên thế giới cũng đã có nhiều khung phân loại LSNG được đề xuất. Có khung phân loại dựa vào dạng sống của cây tạo ra các sản phẩm như nhóm cây gỗ, cây bụi, cây thảo, dây leo gỗ, dây leo thảo…. Có khung phân loại dựa vào công dụng và nguồn gốc của các LSNG, như khung phân loại được thông qua trong hội nghị tháng 11 năm 1991 tại Băng Cốc . Trong khung này, LSNG được chia làm 6 nhóm :

  • Các sản phẩm có sợi: Tre nứa; song mây; lá, thân có sợi và các loại cỏ.
  • Sản phẩm làm thực phẩm.
    • Các sản phẩm nguồn gốc thực vật: thân, chồi, rễ , củ, lá, hoa, quả, quả hạch,
      gia vị, hạt có dầu và nấm.
    • Các sản phẩm nguồn gốc động vật: mật ong, thịt động vật rừng, cá, trai ốc, tổ
      chim ăn được, trứng và côn trùng.
  • Thuốc và mỹ phẩm có nguồn gốc thực vật.
  • Các sản phẩm chiết xuất: gôm, nhựa, nhựa dầu, nhựa mủ, tanin và thuốc nhuộm, dầu
    béo và tinh dầu.
  • Động vật và các sản phẩm từ động vật không làm thực phẩm: tơ tằm, động vật sống,
    chim, côn trùng, lông mao, lông vũ, da, sừng, ngà, xương và nhựa cánh kiến đỏ.
  • Các sản phẩm khác: như lá Bidi (lá thị rừng dùng gói thuốc lá ở Ấn Độ)

Để hoà nhập với các nước láng giềng chúng tôi đề nghị sử dụng khung phân loại các LSNG được thống nhất trong Hội nghị các nước vùng Châu Á Thái Bình Dương, tháng 11 năm 1991 tại Băng Cốc, Thái lan và có sửa đổi để phù hợp với thực tế Việt Nam.

Trước hết chúng tôi đã bổ sung thêm 3 nhóm phụ : (1) Các cây có chất độc vào nhóm 3 (cây thuốc và mỹ phẩm); (2) Các cây cảnh; (3) Các lá dùng để gói, bọc vào nhóm 6 (các sản phẩm khác).

1.3 Khung phân loại các LSNG được đề xuất

Để phù hợp với điều kiện thực tế, chúng tôi đề xuất khung phân loại LSNG của Việt Nam như sau :

  • Sản phẩm có sợi, bao gồm: tre nứa, mây song, các loại lá, thân, vỏ có sợi và cỏ.
  • Sản phẩm dùng làm thực phẩm:
    • Nguồn gốc từ thực vật: thân, chồi, củ, rễ, lá, hoa, quả, gia vị, hạt có dầu, nấm
      ăn.
    • Nguồn gốc từ động vật rừng: mật ong, thịt thú rừng, cá trai ốc, tổ chim ăn
      được, trứng và các loại côn trùng.
  • Các sản phẩm thuốc và mỹ phẩm:
    • Thuốc có nguồn gốc thực vật
    • Cây có độc tính
    • Cây làm mỹ phẩm
  • Các sản phẩm chiết xuất:
    • Tinh dầu
    • Dầu béo
    • Nhựa và nhựa dầu
    • Dầu trong chai cục
    • Gôm
    • Ta-nanh và thuốc nhuộm
  • Động vật và các sản phẩm động vật không làm thực phẩm và làm thuốc.
    • Động vật sống, chim và côn trùng sống: da, sừng, xương, lông vũ…
  • Các sản phẩm khác:
    • Cây cảnh,
    • Lá để gói thức ăn và hàng hóa …

Tuy nhiên, đối với từng loài cụ thể việc phân loại không cố định mà biến đổi theo địa phương và thời gian vì công dụng của lâm sản có sự thay đổi, ví dụ: Quế có thể xếp vào dược liệu nhưng cũng được xếp vào gia vị… cũng như nhiều sản phẩm có thể được phân vào các nhóm khác nhau tuỳ từng nơi, từng lúc…

1.4 Tiêu chí để phân biệt LSNG và cây nông nghiêp

Ngày càng có nhiều loài cây rừng, trong đó đa số là LSNG, được trồng trên đất nông nghiệp. Trong nhiều trường hợp cây cho LSNG đã được coi là cây nông nghiệp như cây Điều, Sơn, Sở… Ngược lại, có nhiều loài cây được trồng ở vùng nông nghiệp nhưng vẫn được coi như LSNG như nhiều loài tre, trúc, mây. Vì vậy, việc đưa ra “Tiêu chí” để phân định cây thuộc LSNG là cần thiết:

  • Cây có nguồn gốc từ rừng và hiện còn được trồng trên đất Lâm nghiệp
  • Cây thuộc sự quản lý của Lâm nghiệp (do Nhà nước quy định).

Những tiêu chí này chỉ mang tính quy ước để thuận tiện cho quản lý, không có ý nghĩa khoa học kĩ thuật.

Tải file đầy đủ: Lâm sản ngoài gỗ – cẩm nang ngành lâm nghiệp.pdf

Một số ứng dụng:


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *