Sai chệch trật khớp cùng đòn là gì? Dấu hiệu và cách điều trị

5/5 - (1 bình chọn)

Trật khớp cùng đòn xảy ra khi vai bị chấn thương, va đập hoặc khi dùng vai nâng đỡ vật nặng. Tình trạng này gây ra những cơn đau nhức ở vai và có thể quan sát được khớp cùng đòn nhô lên cao. Vậy khi bị trật khớp cùng đòn, người bệnh cần phải làm gì để đẩy lùi được những cơn đau nhức? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này như nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào ngay sau đây nhé!

Khớp cùng đòn là gì?

Khớp cùng đòn có tên tiếng anh là Acromioclavicular Joint. Đây là khớp động có vị trí nằm ở giữa mặt trong mỏm cùng vai và đầu ngoài xương đòn. Mặt khớp được sụn sợi bao phủ. Khớp cùng đòn có bao khớp vô cùng mỏng nhưng lại được giữ vững nhờ 3 loại dây chằng: Dây chằng nón, dây chằng cùng đòn và dây chằng thang. Những sợi của cơ thang, cơ delta hòa với phần trên của dây chằng cùng đòn giúp khớp vững chắc hơn.

Trật khớp cùng đòn

Trật khớp cùng đòn là gì?

Trật khớp cùng đòn viết tắt là AJD của từ Acromioclavicular Joint Dislocation. Tình trạng này xảy ra khi vùng vai bị chấn thương do vấp ngã té đập vai xuống trong tư thế cánh tay áp sát thân.

Trật khớp cùng đòn được chia nhỏ thành 6 cấp độ dựa vào mức độ tổn thương và độ chệch của dây chằng. Đó là:

  • Độ 1: Dây chằng của khớp cùng đòn bị giãn
  • Độ 2: Dây chằng cùng đòn bị đứt và dây chằng qua đòn bị giãn
  • Độ 3: Dây chằng qua đòn bị đứt và khớp cùng đòn bị trật toàn bộ
  • Độ 4: Đầu ngoài của xương đòn trật vào trong hoặc ra phía sau hoặc bị xuyên qua cơ thang
  • Độ 5: Đầu ngoài của xương đòn chệch lên trên nhiều
  • Độ 6: Xương đòn lệch hẳn xuống dưới mỏm quạ hoặc mỏm cùng vai. Đồng thời, khoảng gian quạ đòn bị thu hẹp hơn

Nguyên nhân gây sai trật khớp cùng đòn vai

Nguyên nhân chính khiến cho khớp cùng đòn bị trật là do chấn thương ở vai khi bị ngã, va đập vai hoặc nâng đỡ vật nặng bằng vai.

Cơ chế gây chấn thương khớp cùng đòn gồm trực tiếp và gián tiếp.

  • Trực tiếp: Bị ngã vai bị đập trong tư thế khớp vai khép khiến cho mỏm cùng của vai đẩy xuống dưới và vào trong
  • Gián tiếp: Tay chống xuống làm cho lực truyền dọc theo trục xương của cánh tay đến khớp cùng đòn ở vai

Dấu hiệu trật khớp cùng đòn

Khi bị trật khớp cùng đòn, người bệnh thường có những dấu hiệu triệu chứng sau:

  • Đau nhức xương khớp ở vị trí bả vai và khó vận động
  • Bên khớp vai chấn thương bị đau nhức, sưng tấy và tím bầm
  • Bên vai bị chấn thương quan sát bằng mắt thường thấy được xệ xuống, đầu xương đòn nhô lên trên khỏi mỏm cùng vai
  • Xương đòn nhô lên dễ dàng ấn về vị trí ban đầu, bỏ tay ra thì đầu của xương đòn lại nhô lên cao

Nếu có bất cứ biểu hiện dấu hiệu trật khớp xương đòn, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Dấu hiệu trật khớp cùng đòn

Chẩn đoán sai khớp cùng đòn ở vai

Các bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng người bệnh cung cấp và yêu cầu chụp X-quang để cho kết quả chính xác nhất.

  • Chụp X-quang khớp vai tư thế thẳng, X-quang nách và tư thế chữ Y
  • Chụp X-quang stress: X- quang thẳng với tay đeo tạ nặng từ 4 – 6kg sau đó so sánh 2 bên
  • Chụp X-quang Zanca: Giống với X-quang thẳng nhưng đầu phát tia sáng chếch khoảng 10 độ về phía đầu để quan sát được đầu khớp xương cùng đòn tốt hơn

Phác đồ điều trị chệch khớp cùng đòn

Có 2 phương pháp điều trị là bảo tồn và phẫu thuật. Tùy thuộc mức độ tổn thương khớp cùng đòn và nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ chỉ định biện pháp phù hợp.

  • Trật khớp xương đòn độ 1, độ 2 và trật khớp xương đòn độ 3, ít vận động thường được điều trị bảo tồn. Thường là chườm lạnh, nghỉ ngơi, đeo túi treo tay trong thời gian từ 4 – 6 tuần, kết hợp với tập phục hồi chức năng cho khớp vai.
  • Trường hợp trật khớp cùng đòn vai độ 3, còn trẻ và vận động nhiều và chệch khớp vai ở độ 4, 5, 6 được chỉ định thực hiện phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn trật khớp cùng đòn

  • Nắn khớp vào vị trí cũ và giữ để không bị di lệch. Sử dụng băng keo dính số 8 nâng khuỷu tay lên hoặc sử dụng băng Desault để giữ cố định trong thời gian 3 tuần.
  • Dùng kháng sinh ở dạng uống hoặc dạng tiêm trực tiếp, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Nếu vết thương ở vai hở, bị xây xát da thì cần phải tiêm phòng ngừa uốn ván.

Phẫu thuật sai khớp cùng đòn

Có thể là cố định khớp cùng đòn, nội soi cố định quạ đòn, cố định xương đòn vào mỏm quạ… Xuyên kim kirschner để cố định được xương đòn, mỏm cùng trong thời gian từ 4 – 6 tuần. Đồng thời tái tạo được dây chằng.

Phẫu thuật sai khớp cùng đòn

Điều trị sau phẫu thuật khớp cùng đòn

Sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh cần:

  • Đeo đai số 8 để cố định chỗ mổ
  • Truyền đạm hoặc lipid, truyền dung dịch đẳng trương
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc cầm máu, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm

Phòng ngừa trật khớp cùng đòn

Mỗi người có thể phòng tránh được tình trạng chệch trật khớp cùng đòn bằng những biện pháp đơn giản và hiệu quả dưới đây:

  • Nếu làm công việc nặng cần phải có bảo hộ đúng cách và đầy đủ
  • Khi tham gia giao thông cần phải tuân thủ đúng luật lệ và đi cẩn thận
  • Trong trường hợp bị chấn thương cần phải biết cách sơ cứu tại chỗ

Những thông tin về trật khớp cùng đòn trên đây mong rằng giúp mọi người hiểu hơn về tình trạng này, biết cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả, bảo vệ sức khỏe tốt hơn.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *