Trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm nên làm gì, do nguyên nhân nào?
Trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm là một trong những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang mắc các vấn đề liên quan tới đường hô hấp. Đây là một trong những tình trạng rất hay gặp ở trẻ nhỏ, khiến bé khó chịu, lười ăn và quấy khóc.
Nội dung chính:
Dấu hiệu khi trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm
Tình trạng thở khò khè như có đờm thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi do lúc này kích thước phế quản của bé còn nhỏ, đường ống dẫn khí dễ bị thu hẹp bởi sự viêm nhiễm hoặc tiết dịch nhầy quá nhiều. Khò khè là tiếng thở có âm sắc bất thường, là dấu hiệu cho thấy sự tắc nghẽn đường hô hấp của trẻ, có thể do một số bệnh lý hô hấp gây ra hoặc do mắc dị vật ở đường thở.
Trẻ nhỏ thở khò khè như có đờm nghe rõ nhất khi bé ngủ, với trường hợp nhẹ phải áp sát tai gần miệng bé mới nghe rõ, nhưng khi tình trạng nặng hơn, thì tiếng thở khò khè như có đờm có thể nghe thấy rõ ràng, to hơn. Khi trẻ sơ sinh mắc tình trạng này, ngoài dấu hiệu về âm sắc đường thở, còn có thể có một số biểu hiện khác như ho có đờm, thở nhanh, cơ ngực gắng sức nhiều hơn, bé biếng ăn, có thể kèm sốt hoặc tím tái da, môi, móng nếu thiếu oxy. Lúc này, cha mẹ cần lưu ý xem xét đưa trẻ sơ sinh đến khám bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên nhân và đưa ra cách điều trị đúng đắn.
Nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè như có đờm
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè cảm giác như mắc đờm ở trẻ sơ sinh, được tóm gọn thành bốn nguyên nhân chính sau đây:
Do dịch ối còn sót lại
Nguyên nhân này xuất hiện ở trẻ khoảng dưới 3 tháng tuổi, do mẹ sinh mổ nên không có quá trình chuyển dạ, khiến cho dịch ối không được đưa hết ra ngoài.
Trường hợp trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm là do nguyên nhân này thường hết sau 3 tháng, bé sẽ có dấu hiệu trớ nhiều sau bú để tống dịch ối ra ngoài nhưng không có sốt kèm theo.
Do các bệnh lý đường hô hấp
Bệnh hen suyễn: Hen suyễn là một dạng viêm đường hô hấp mãn tính, đặc trưng bởi sự thở khò khè của trẻ, tình trạng này trở nặng khi về đêm và lúc thời tiết trở lạnh. Ngoài thở khò khè, trẻ còn có biểu hiện ho, thở dốc và mệt mỏi kèm theo. Bệnh lý này có thể do di truyền hoặc do trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, chất kích thích dị ứng như phấn hoa, bụi, lông chó mèo,…
Bệnh viêm phổi: Nếu nguyên nhân dẫn tới trẻ thở khò khè giống mắc đờm là do bệnh viêm phổi thì thường kèm theo triệu chứng thở nhanh, khó thở, ho, sốt, nôn, trớ,…
Bệnh viêm phế quản: Bệnh lý này rất phổ biến với trẻ sơ sinh, ban đầu bé sẽ ho nhiều, rồi có đờm đặc, đau tức ngực và phát ra tiếng thở khò khè rõ khi ngủ.
Ngoài ra, tình trạng thở khò khè này xảy ra có thể do một số bệnh lý khác về đường hô hấp gây ra như: sụn thanh quản mềm, viêm amidan cấp, do nhiễm virus gây cúm, sốt,… Cha mẹ cần để ý các dấu hiệu kèm theo để xác định được chính xác nguyên nhân trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm.
Do thói quen sinh hoạt
Một số thói quen sinh hoạt sai lầm ảnh hưởng tới đường thở cũng là nguyên nhân khiến trẻ nhỏ thở khò khè như mắc đờm, cụ thể như bé gối đầu quá cao, nằm sấp khi ngủ, mặc quá nhiều quần áo chật,… Lúc này, cha mẹ nên chỉnh lại tư thế đúng cho bé, thay đổi các thói quen không tốt, giúp bé có thể thở bình thường trở lại.
Do các nguyên nhân khác
Trào ngược dạ dày-thực quản: Khi trẻ bị trào ngược dạ dày-thực quản, dịch sẽ tràn vào khí quản làm đường thở lưu thông kém, dẫn đến bé thở khò khè như có đờm kèm theo nôn trớ, tức ngực, khó chịu.
Các nguyên nhân bệnh lý khác như trẻ bị dị tật bẩm sinh đường hô hấp, mắc dị vật đường thở, trẻ bị tim bẩm sinh,… Những nguyên nhân bệnh lý này tuy ít gặp nhưng cha mẹ vẫn nên lưu ý cho trẻ.
Trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm nên làm gì?
Cha mẹ cần quan sát tình trạng thở khò khè như có đờm của con để có những biện pháp chăm sóc hoặc hướng xử lý thích hợp. Trường hợp trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm mức độ nhẹ, do một số nguyên nhân thông thường, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau cho con:
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ sơ sinh, hạn chế để bé tiếp xúc với khí lạnh, tránh cho bé bị sổ mũi, nghẹt mũi.
- Vệ sinh mũi, họng cho bé thường xuyên giúp làm thông thoáng dịch đờm ở đường thở bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Cho trẻ bú nhiều sữa để tăng cường bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho bé.
- Cung cấp đủ nước cho bé để tạo chất nhầy làm sạch đường thở kết hợp massage ngực, lưng, cổ cho bé trước khi ngủ để con bớt khó thở hơn.
- Tắm rửa cho trẻ thường xuyên cũng như giữ sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ nhỏ, không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn.
Cần lưu ý rằng, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Việc dùng thuốc không đúng cách không chắc đã làm bé khỏi bệnh, mà còn có thể khiến tình trạng của trẻ bị nặng thêm, gây các tác dụng phụ có hại cho trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải thường xuyên để ý xem trẻ có mắc thêm dấu hiệu nào khác không, tình trạng thở khò khè như có đờm có nặng hơn không, để đưa trẻ tới khám bác sĩ và chữa trị càng sớm càng tốt.
Xem thêm: Bị ho có đờm nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Tóm lại, tình trạng trẻ sơ sinh thở khò khè như có đờm không phải quá nguy hiểm, nhưng cha mẹ cũng không nên lơ là chủ quan mà bỏ qua. Khi thấy bé có tình trạng này, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà cho bé trước, nếu không khả quan thì nên đưa bé đi gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân chính xác và trị liệu thích hợp.

Bác sĩ Vũ Ngọc Anh là tác giả một số sách y học viết bằng tiếng Pháp như: La chèque de bétel en Indochine, Notes sur la Vaccination antivariolique destinées au “bà mụ”.
Bài viết liên quan

Viên ngậm ho tốt nhất hiện nay và dành cho bà bầu
29 Tháng Tư, 2020

Cách trị đờm trong mũi đơn giản mà cực kỳ hiệu nghiệm
25 Tháng Tư, 2020

Trị ho bằng mật ong có thực sự hết không, cách chữa như thế nào?
28 Tháng Ba, 2020

Ho khan tức ngực dấu hiệu cảnh báo của bệnh nào?
28 Tháng Ba, 2020

Ho có đờm vàng đặc cảnh báo điều gì?
27 Tháng Ba, 2020

Ho có đờm trắng trong có bọt biểu hiện bệnh gì?
27 Tháng Ba, 2020